Thực trạng cải cách hành chính ở Việt Nam:
Những năm qua, Nhà nước đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất
lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, coi đó là một khâu quan trọng trong
thực hiện chương trình cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng hiện đại,
chuyên nghiệp.
Nhiều nơi đã áp dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử, tin học
hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ công, như cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp đăng ký xe máy, chứng minh thư nhân dân…; tổ
chức đấu thầu các dự án chi tiêu công; rà soát để loại bỏ những thủ tục hành
chính (TTHC) không cần thiết, các giấy phép còn gây phiền hà cho người dân khi
tiếp cận dịch vụ hành chính công (DVHCC), rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ…,
đặc biệt là sáp nhập các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, ví dụ như việc
tinh giản biên chế tại các cơ quan hành
chính nhà nước và sáp nhập một số cơ quan hành chính tại Bộ
Công thương.
Trên phương diện TTHC, Bộ Công Thương đã tiến hành liên tục các đợt
tinh lọc, cắt giảm và được thực hiện vào tháng 12/2016, theo Quyết định số
4846/QĐ- BCT ngày 09/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phê duyệt
phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
Công Thương. Năm 2017, đã có 123 TTHC được đơn giản hóa, bãi bỏ (gồm bãi bỏ 15
thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục) trong tổng số 443 TTHC thuộc phạm vi Bộ
quản lý1.
Tiếp đó, ngày 20/9/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số
3610a/QĐ-BCT đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh
doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Quyết định này được ban hành để thực hiện vượt mục tiêu đã đề ra khi cắt giảm
và đơn giản hóa tới 183 thủ tục (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134
thủ tục) trong tổng số 451 thủ tục hiện có của Bộ tại thời điểm năm 2017. Bên
cạnh đó, Bộ cũng cắt giảm, đơn giản hóa 55,5% điều kiện trên tổng số các điều
kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
Bộ Công Thương (theo Luật Đầu tư)2.
Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hành chính nhà nước
đang thực hiện chuyển chức năng quản lý nhà nước sang các hình thức hoạt động
cung cấp dịch vụ công. Mặt khác, trong quá trình chuyển đổi, sự kết hợp giữa
Nhà nước với các thành phần kinh tế trong hoạt động cung cấp dịch vụ diễn ra
phổ biến. Hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí vốn nằm trong tay Nhà nước đang
được chuyển dịch dần sang khu vực tư (ví dụ như hoạt động của các văn phòng
công chứng tư), Nhà nước chỉ đóng vai trò xúc tiến.
Trong điều kiện chung hiện nay, hoạt động cung cấp dịch vụ công
đang được Nhà nước thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Các cơ quan hành
chính nhà nước chỉ tập trung vào những loại hàng hóa và dịch vụ mà xã hội cần
nhưng thiếu người cung cấp hoặc không muốn cung cấp và trong nhiều trường hợp
cung cấp không hiệu quả.
Cùng với sự phát triển của xã hội, chức năng cung cấp dịch vụ công
từ phía cơ quan nhà nước ngày càng trở nên quan trọng. Trong nền kinh tế thị
trường, việc cung cấp dịch vụ công thỏa mãn nhu cầu của người dân không chỉ do
Nhà nước đảm nhiệm, mà dần dần được xã hội hóa với vai trò tham gia của các
thành phần kinh tế khác dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Về mặt nguyên tắc, Nhà
nước không nhất thiết phải trực tiếp cung cấp các dịch vụ công mà có trách
nhiệm bảo đảm rằng các dịch vụ đó được cung cấp trên thực tế.
Song hành với những cải cách về kinh tế và những đổi mới quan
trọng trong hệ thống chính trị thì vấn đề CCHC luôn được Đảng và Nhà nước ta
xác định là một khâu quan trọng mang tính đột phá, nhằm thực hiện chủ trương
của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền hành chính công vững mạnh, chuyên
nghiệp hóa, muốn đạt được mục tiêu đó phải cải cách nền hành chính quốc gia.
Điều này được phản ánh khá rõ nét qua việc triển khai Chương trình tổng thể
CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung cơ bản: từ cải cách thể
chế, tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức đến cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính công.
Tuy nhiên, DVHCC Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập,
đó là:
– DVHCC hoạt động kém hiệu quả do chịu sự cản trở và tác động của
chính các yếu tố của bộ máy quan liêu chậm được đổi mới, chẳng hạn: TTHC phức
tạp, phiền hà; quy trình cung ứng dịch vụ qua nhiều tầng nấc, phòng, ban, các
quy trình khác nhau; sự cửa quyền, nhũng nhiễu, quan liêu của những người trực
tiếp cung ứng dịch vụ…3.
– Các thông tin cần thiết về thủ tục cũng như cách thức và quy
trình thực hiện DVHCC, các thông tin về quy hoạch, đất đai, tài nguyên… chưa
được công khai rõ ràng, minh bạch, do đó dễ bị những người cung ứng dịch vụ lợi
dụng để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà. Các đơn vị, tổ chức và người dân
chưa thực sự dễ dàng, thuận tiện khi tiếp cận các thông tin trên và tiếp cận DVHCC.