CHI TIẾT: 11 nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
CHI
TIẾT: 11 nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Những chính sách mới, quan trọng của dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 11 nội dung chủ yếu sau.
Thứ nhất, quy định cụ thể quyền và trách
nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất
đai:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) đã hoàn thiện các chế định về quyền của Nhà nước, xác định trách
nhiệm của các cơ quan trong việc quy hoạch, kế hoạch, xác định mục đích, hạn
mức và thời hạn sử dụng đất.
Dự thảo cũng đã hoàn
thiện các quy định về thu hồi, trưng dụng, giao đất, cho thuê đất và công nhận
quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền,
nghĩa vụ của người sử dụng đất; điều tiết thị trường và nguồn thu từ đất.
Phân cấp mạnh mẽ về thẩm
quyền gắn với kiểm tra, giám sát, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa
phương. Quy định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bổ sung quy định về vai
trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, quyền
và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử
dụng đất:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất
trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền
với đất; quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, công trình
trên không; các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô
thị phục vụ lợi ích chung.
Dự thảo cũng bổ sung quy
định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thứ ba, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) bổ sung, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính thống
nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch sử
dụng đất bảo đảm đồng bộ ba cấp, trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi
tiết đến từng thửa đất.
Bổ sung nội dung quy
hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất; xác định khu vực sử dụng
đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; định
hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ; đổi
mới về phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Hoàn thiện các quy định
về sự tham gia của người dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm
công khai thông tin; quy định về rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có
khả năng thực hiện.
Thứ tư, về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu
hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia,
công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công
khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Đa dạng các hình thức
bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền, bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị
trường; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi thu
hồi đất.
Cụ thể hóa nguyên tắc
người được tái định cư phải có chỗ ở mới, có thu nhập và điều kiện sống bằng
hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định về tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội, địa điểm tái định cư.
Bổ sung, hoàn thiện các
chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề, ổn định sản xuất
kinh doanh.
Mở rộng thành phần Hội
đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý
kiến đối tượng bị thu hồi đất; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
thành dự án riêng để thực hiện trước nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án.
Thứ năm, về giao đất, cho thuê đất, chuyển
mục đích sử dụng đất:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) đã quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện, tiêu chí giao đất,
cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất.
Quy định cụ thể các
trường hợp thuê đất trả tiền một lần, thuê đất trả tiền hàng năm.
Phân cấp cho Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa,
đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Hoàn thiện quy định về việc giao đất, cho thuê
đất đối với tổ chức tôn giáo. Bổ sung quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp
cận đất đai.
Thứ sáu, về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều
tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội.
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất
phù hợp với giá trị thị trường; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.
Quy định các trường hợp
áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để tính thuế thu nhập khi
chuyển quyền sử dụng đất.
Mở rộng thành phần Hội
đồng thẩm định giá đất với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tư vấn và chuyên gia về giá đất để đảm bảo độc lập,
khách quan.
Phân cấp thẩm quyền cho
UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền trong giao đất,
cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng...
Hoàn thiện các quy định
về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bổ sung các trường hợp miễn,
giảm theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, các đối tượng chính sách.…
Thứ bảy, về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) bổ sung 01 chương về phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai,
minh bạch, hiệu quả để Nhà nước tạo quỹ đất, chủ động điều tiết cung - cầu thị
trường, đấu giá quyền sử dụng đất.
Phát triển thị trường
quyền sử dụng đất lành mạnh, ổn định thông qua các công cụ tài chính, chính
sách thuế tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng;
quy định các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất
động sản.
Thứ tám, về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp;
giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường:
Mở rộng hạn mức nhận
quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức
giao đất nông nghiệp và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể.
Mở rộng đối tượng được
nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không
trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Quy định tích tụ, tập
trung đất đai, cơ chế góp quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Quy định cụ thể về giải
quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý thu hồi đất đối
với các trường hợp đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật, lấn chiếm.
Thứ chín, quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất ở, đất nông nghiệp kết
hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng
công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ lấn biển; quy định về
quản lý đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế nhằm phát huy nguồn lực,
tiềm năng đất đai.
Thứ mười, quy định về chuyển đổi số và cải
cách hành chính:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) đã quy định về việc xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thông tin, dữ
liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường
điện tử.
Thứ mười một là thanh tra, kiểm tra, giám
sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai:
Dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi) bổ sung quy định về kiểm toán, kiểm tra chuyên ngành đất đai, hình
thức đối thoại, hòa giải tại Tòa án; Quy định rõ thẩm quyền cơ quan giải quyết
tranh chấp đất đai.
Hoàn thiện các cơ chế
giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp. Làm rõ phạm
vi quy định của Luật Đất đai với các Luật khác.